(Dân trí) - Cả ngày túi bụi khám bệnh, đêm đến
còn chong đèn tư vấn online miễn phí cho bệnh nhân đến 1-2g sáng; đó là
tấm lòng cao quý của những người thầy thuốc tận tụy, khát khao đem những
kiến thức cùng kinh nghiệm bao năm tích lũy của mình để giúp đời.
Cơ duyên đưa BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ
đến với ngành nhãn khoa nảy nở từ rất sớm: “Hồi học cấp 2, tôi chơi đốt
pháo cùng mấy bạn, bị pháo văng vào mắt. Mẹ tôi đưa đến bác sĩ mắt. Cảm
giác khỏi bệnh, lại nhìn thấy mọi vật thật vui không thể tả. Từ đó, tôi
mơ ước lớn lên mình sẽ làm bác sĩ nhãn khoa”.
Đến nay, bác sĩ Nguyễn Thế Hồ đã có hơn 10 năm trong nghề và công
tác ở cương vị Trưởng khoa Mắt bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TPHCM).
Cũng là 10 năm bác sĩ Hồ cùng các đoàn từ thiện rong ruổi khắp các tỉnh
thành trong chương trình “Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo” do Hội
Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM phát động.
Bác sĩ Nguyễn Thế Hồ đã giúp hàng ngàn đôi mắt bệnh nhân nghèo tìm lại ánh sáng
“Đi mổ từ thiện vui lắm, được nhìn thấy ngay hiệu quả công việc của
mình: mổ xong, mắt mù thành mắt sáng. Còn gì vui hơn thế! Sắp tới, tôi
có chuyến đi mổ từ thiện ở Bình Phước chào mừng ngày giải phóng Lộc Ninh
(7/4/1972)” - bác sĩ Hồ hào hứng.
Kỷ lục mổ của vị bác sĩ giàu lòng nhân ái này chắc khó ai qua khỏi:
Mỗi ngày đứng mổ hơn 50 ca. Thậm chí, có ngày cao điểm lên đến hơn 100
ca. Làm thông tầm, nhịn ăn trưa là “chuyện bình thường ở huyện”.
Như có thể hiểu thấu nỗi khổ của bệnh nhân, bác sĩ Hồ chia sẻ: “Bản
thân người bệnh đã khổ rồi, ngoài nỗi đau thể xác còn phải tốn kém tiền
thuốc men. Nếu từ tỉnh xa đến TPHCM chữa bệnh thì phải thêm một người
khỏe mạnh, bỏ công bỏ việc đi theo. Chi phí đi lại, ăn ở phải nhân đôi,
chưa kể tiền khám chữa bệnh… cũng phải hơn chục triệu đồng. Cho nên
nhiều người cam chịu “ôm” bệnh ở nhà ...”.
Tận tâm với từng ca mổ, đêm đến, bác sĩ Nguyễn Thế Hồ còn dành quỹ
thời gian hiếm hoi cho việc “tư vấn online” trên Cổng thông tin tư vấn
sức khỏe miễn phí - AloBacsi.vn. Cũng chu đáo, tận tụy như khám cho bệnh
nhân, mỗi câu bác sĩ Hồ tư vấn hết sức cặn kẽ, rõ ràng.
Nhiều câu của bác sĩ Hồ trả lời có đến hơn 50 ngàn lượt bạn đọc xem,
hàng trăm comment cảm ơn bác sĩ vì “chia sẻ hết sức bổ ích và tư vấn
cách điều trị rất cụ thể, dễ hiểu”…
“Đọc một câu hỏi rồi trả lời trên email rất khó. Mình không được khám
trực tiếp, triệu chứng bệnh nhân đưa ra lại ít ỏi nên phải dự đoán
nhiều tình huống… Người ta nói “bút sa gà chết”, mà mình có phải dân văn
chương đâu, viết không khéo thì đồng nghiệp họ cười cho ấy chứ” - bác
sĩ Hồ hóm hỉnh chia sẻ.
Vì
tấm lòng và trái tim rực lửa yêu nghề, ông vừa vinh dự được chủ tịch
nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu cao quý: “Thầy thuốc Ưu tú”
trong dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay
Cùng niềm đam mê với công việc, cùng tấm lòng vì người bệnh như Thầy
thuốc Ưu tú Nguyễn Thế Hồ, BS.CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo, bệnh viện Quận 1,
cũng hàng đêm chong đèn bên laptop.
Trước cửa phòng 13 của bệnh viện quận 1 luôn đông bệnh nhân ngồi chờ
đến lượt khám. Bác Thưởng, 70 tuổi, lặn lội từ Bình Thạnh qua chờ khám
bệnh nói: “Tôi quý bác sĩ Thảo ở sự tận tụy, cẩn thận. Đông bệnh nhưng
bác sĩ không khám qua loa. Bao giờ bác sĩ cũng chăm chú lắng nghe, hỏi
cặn kẽ triệu chứng rồi mới ra toa”.
Ngày xưa, con gái không được gia đình ủng hộ theo ngành y nên chị
phải tự lực cánh sinh. Trải qua nhiều công việc ở các ngành sản phụ
khoa, siêu âm,… rồi một thời gian dài khám bệnh cho hàng ngàn công nhân,
cô gái trẻ giàu nghị lực đã vượt qua mọi trở ngại để nuôi lấy việc học.
Nay, chị đã được làm việc ở chuyên ngành mình yêu thích nhất: Nhi khoa.
Có lẽ chị sinh ra là để trở thành bác sĩ Nhi khoa, bởi trong chị dạt
dào lòng yêu trẻ. Các bệnh nhân “nhí” đến với chị luôn được nghe những
lời căn dặn ân cần, ấm áp. Với những ca bệnh đặc biệt, chị còn nhắn tin,
điện thoại hỏi thăm và rồi thấp thỏm đợi họ tái khám.
Từ ngày “bén duyên” với công việc tư vấn online, bác sĩ Thảo có
thêm niềm vui mới: “Mình khám trực tiếp thì chỉ giúp được cho một người,
còn tư vấn trên mạng thì có thể chia sẻ kiến thức của mình cho hàng
triệu người, giúp họ khỏe mạnh, như vậy đáng làm quá đi chứ!”.
Ngày trước, đi làm chỉ cần chiếc áo blouse và cái ống nghe, nay phải
“tha” thêm cái máy laptop và chiếc usb 3G để có thể online mọi lúc mọi
nơi. Quỹ thời gian cho việc nghỉ ngơi bị cắt xén dần. Cả cái thú vui đi
siêu thị của chị cũng phải nhường chỗ cho những “ca bệnh online”. Mệt,
hao sức và quan trọng là hoàn toàn... không có phí nhưng chị luôn tâm
niệm: “Đã theo ngành y thì bệnh nhân là trên hết. Bệnh nhân có bệnh nôn
nóng được tư vấn biết bao nên tranh thủ lúc nào ngớt việc là mình online
để họ khỏi mong chờ”.
Chị kể câu chuyện, có cô bé ở Kon Tum đi bộ 5 cây số đường rừng mang
theo 2.000 đồng dành dụm để hỏi về bệnh cho mẹ, rồi ngày hôm sau, lại
băng rừng về trung tâm tìm tiệm net để đọc câu tư vấn của bác sĩ.
“Thử hỏi, bệnh nhân khao khát thông tin, mong được tư vấn như thế, là
bác sĩ, làm sao mà dám không nhiệt tình” - chị Thảo tâm sự.
Sau một năm tham gia tư vấn online, bác sĩ Thảo “tích lũy” được cái
vòng bụng ngày càng to hơn vì phải “giã từ” thể dục mỗi ngày.
Vất vả hơn nhưng các bác sĩ tư vấn online luôn cảm thấy được khích lệ
khi chia sẻ những kiến thức của mình cùng cộng đồng, đặc biệt là khi
đọc những bức thư cảm ơn rất ấm lòng:
“Khi phát hiện bị bệnh “khó nói” tôi
vô cùng hoang mang, khổ sở. Khổ lắm mà không dám hỏi ai. Tưởng như cuộc
đời chấm dứt từ đây. Thế nhưng được "Khám bệnh online" tư vấn, tôi theo
các hướng dẫn, đi làm xét nghiệm và khám đúng chuyên khoa. Sau 2 tuần,
bệnh thuyên giảm hẳn... Mùa xuân trở lại. Cảm ơn bác sĩ biết bao...”.
Sẵn sàng chia sẻ quỹ thời gian quý báu cho bạn đọc mà không màng
đến cả danh lẫn lợi, thế đấy, họ thật sự là những thầy thuốc có trái tim
từ mẫu, xứng đáng được tôn vinh, tri ân trong ngày Thầy thuốc Việt Nam.
|